Mất bao nhiêu năm để... đi bộ đến Trái Đất thứ 2?
THỨ SÁU, 24/07/2015 08:22:00
Vntinnhanh.vn - Việc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa khám phá ra một "Trái Đất thứ 2" - Kepler 452b đã mở ra hy vọng về tương lai sinh sống ngoài vũ trụ cho loài người, nhưng chúng ta sẽ mất bao lâu để đi đến những hành tinh mới?
Mất bao lâu để vươn tới "Trái Đất thứ 2"?
Kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 2009, kính thiên văn Kepler của Cơ quan Hàng không Mỹ (NASA) đã tìm được tới hơn 4.500 "ứng cử viên" sáng giá, trong đó xác nhận khoảng 1.030 hành tinh đạt mọi chỉ tiêu về vùng không gian thích hợp để sống, nhưng hiện tại, chỉ có 12 hành tinh chính thức được công nhận sở hữu những đặc điểm tương tự bề mặt Trái Đất. Nhờ Kepler, người ta đã mở ra hy vọng về số lượng 10% hành tinh có thể sống được trong hệ Mặt Trời.
Kepler 452b được cho là có nhiều đặc điểm tương tự Trái Đất nhất, nhưng để vươn tới hành tinh này vào thời điểm hiện tại là điều không tưởng, dù khoảng cách từ Kepler-452b đến mặt trời của nó chỉ chênh lệch 5% so với khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời - một con số không đáng kể.
Kepler-452b lớn hơn Trái Đất khoảng 1,6 lần, một năm trên Keppler-452b có 385 ngày và hành tinh này cách Trái Đất khoảng 1.400 năm ánh sáng.
Khoảng cách từ Kepler-452b tới Mặt Trời chỉ xa hơn khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời đúng 5% (Ảnh: NASA)
Số liệu cho thấy 1 năm ánh sáng tương đương với 225 triệu năm đi bộ, vậy để đặt chân lên Kepler-452b, người ta sẽ phải thúc đẩy mạnh mẽ nền khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại. Dựa theo thông số kỹ thuật hiện nay, ánh sáng có thể di chuyển hơn 1 tỷ km/giờ, nghĩa là trung bình, ánh sáng mất 8 phút để đi từ Mặt Trời tới Trái Đất.
Tính một cách thực tế hơn, để đi bộ vòng quanh Trái Đất (khoảng hơn 38.000km), người gần đây nhất thực hiện thử thách này là ông Karl Bushby, đã khởi hành từ Nam Mỹ vào năm 1998 và mất 14 năm để hoàn thiện hành trình của mình. Giả dụ không vướng bất cứ đại dương nào và với tốc độ 4,8km/h, 8 giờ/ngày thì con người chỉ mất...hơn 2 năm để đi vòng quanh Trái Đất.
Tàu thăm dò mới nhất của NASA - New Horizon, gây ấn tượng nhờ công lao chụp được những hình ảnh đáng kinh ngạc trên sao Diêm Vương mới đây, có tốc độ khủng khiếp chưa từng thấy, nhưng cũng chỉ đạt được khoảng 58.536 km/h. Vậy nên nếu NASA có ý định đưa phi hành gia tới Kepler-452b bằng tốc độ đó, họ sẽ mất khoảng 25,8 triệu năm - trong khi ấy, con người chỉ mới tiến hóa được vào thời điểm 2,5 triệu năm trước mà thôi.
Đi tìm "họ hàng" của Trái Đất
Tham vọng tìm kiếm hành tinh tương tự Trái Đất đã bắt đầu được thực hiện từ năm 1995. Chỉ tính trong vòng 6 năm trở lại đây, cuộc tìm kiếm đã đưa Kepler khám phá ra số lượng không nhỏ các hành tinh nằm trong danh sách "có thể sống được".
Hành tinh đầu tiên nhỏ hơn Trái Đất được phát hiện vào tháng 12/2011 - Kepler-20e. Ngôi sao giống Mặt Trời này sở hữu đặc điểm mát mẻ và nhỏ hơn Mặt Trời chỉ 6 ngày một lần, vậy nên nhiệt độ và khả năng duy trì chất lỏng vẫn rất bấp bênh. Cùng tháng đó, NASA tuyên bố khám phá ra Kepler-22b - lớn gấp đôi Trái Đất nhưng chính vì lẽ đó mà không sở hữu về bề mặt thổ nhưỡng lý tưởng.
Mô phỏng các hành tinh có thể sinh sống được phát hiện 6 năm trở lại đây (Ảnh: W. Stenzel/NASA Ames)
Kepler-186f xuất hiện trên thông tin đại chúng vào tháng 4/2014 và trở thành hành tinh có kích thước giống Trái Đất đầu tiên trong chòm sao lùn đỏ loại M - chòm sao có kích thước bằng 1 nửa so với Mặt Trời. Mặc dù cách Trái Đất khoảng 500 năm ánh sáng và lớn hơn Trái Đất chỉ 10%, quỹ đạo 130 ngày của Kepler-186f xung quanh chòm sao lùn đỏ khiến nơi đây lạnh lẽo hơn nhiều.
Trong tháng 1 năm nay NASA cũng từng công bố phát hiện 2 hành tinh mới có tên Kepler-438b, chỉ lớn hơn Trái Đất 1,1 lần; và Kepler-442b, lớn hơn Trái Đất 1,33 lần. Trong tháng này, kính thiên văn Kepler tiếp tục phát hiện 5 hành tinh mới trong hệ mặt trời Kepler-444. Cả 5 hành tinh này đều có kích thước tương tự Trái Đất.
Gần đây nhất chính là Kepler-452b - hành tinh được hình thành khoảng 6 tỷ năm trước, tức là lâu hơn Trái Đất khoảng 1,5 tỷ năm. Điều đó cho thấy những gì con người nhìn thấy hiện tại đều là quá khứ của hành tinh Kepler-452b do độ trễ của tốc độ ánh sáng.
Trâm Phạm (Theo NASA)