Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Hãy suy ngẫm trong cuộc sống

Sức mạnh của sự động viên
Đôi khi bạn nên để ngoài tai những lời chỉ trích nghi ngờ vì chính những điều đó sẽ giết chết mọi nỗ lực của bạn nhanh hơn cả việc bạn gục ngã vì kiệt sức. Trái lại hãy lấy những điều đó là động lực để bản thân tiếp tục cố gắng và hãy luôn ghi nhớ thất bại thật sự là khi bạn từ bỏ mọi hy vọng, và ngừng nỗ lực.
Một đàn ếch đi ngang qua một khu rừng và hai con ếch bị rơi xuống một cái hố. Khi thấy cái hố quá sâu những con ếch còn lại bèn nói với hai con ếch kia rằng chúng sẽ phải chết.
Hai con ếch mặc kệ những lời bình luận và cố hết sức nhảy ra khỏi cái hố. Đàn ếch nhao nhao bảo chúng đừng nhảy vô ích, hãy chấp nhận cái chết không thể tránh khỏi.
Cuối cùng, một con ếch nghe theo lời của đàn ếch. Nó gục xuống chết vì kiệt sức và tuyệt vọng. Con ếch còn lại vẫn dồn hết sức lực cuối cùng tiếp tục nhảy lên. Đàn ếch trên bờ lại ầm ĩ la lên bảo nó hãy nằm yên chờ chết. Con ếch nọ lại càng nhảy mạnh hơn nữa . Và thật kỳ diệu, cuối cùng nó cũng thoát ra khỏi cái hố sâu ấy.
Đàn ếch xúm lại:
"Không nghe chúng tôi nói gì à?"
Chúng cứ hỏi mãi trong sự ngạc nhiên, lúng túng của con ếch nọ.
Cuối cùng sự thật cũng được một con ếch già hé lộ rằng: con ếch vừa thoát khỏi cái hố kia bị điếc và nó cứ nghĩ là những con ếch khác hò reo đang cổ vũ cho nó, và chính điều đó đã làm nên một sức mạnh kỳ diệu giúp cho nó tìm được sự sống mong manh trong cái chết.
Cuộc sống với bộn bề lo toan, vất vả, sẽ không ít lần chúng ta gặp phải những khó khăn hay đau khổ và tuyệt vọng…Vậy những lúc như thế bạn cần gì? Có phải chăng là một sự cảm thông, chia sẻ hay một lời an ủi, động viên. Có được những điều may mắn ấy chúng ta sẽ có đủ nghị lực để đương đầu và vượt qua mọi thử thách của cuộc sống, để tìm đến bến bờ tươi đẹp hơn.
Thật vậy, một lời nói cũng giống như một thứ vũ khí hết sức nguy hiểm. Nếu chúng ta dùng nó để động viên hay khích lệ những người thân, những người mình thương yêu thì điều đó thật tuyệt vời và đáng quý.
Nhưng cũng sẽ rất tàn nhẫn nếu chúng ta vô tình chĩa nó về một người nào đó, lời nói đó có thể đối với bản thân chúng ta không là gì cả, nhưng có thể làm người trực tiếp nhận nó bị tổn thương và đôi khi có thể gây hậu quả nghiêm trọng mà chúng ta không thể nào ngờ đến.
Qua câu truyện "con ếch" chúng ta có thể thấy được lời nói có sức mạnh khủng khiếp đến thế nào. Một lời động viên chân thành dành cho người đang trong cơn khủng hoảng có thể mang đến sức mạnh bất ngờ để vượt qua hết những khó khăn nghịch cảnh mà họ tưởng chừng như không bao giờ có thể làm được. Ngược lại, một lời tiêu cực với người đang trong cơn khủng hoảng có thể giết chết họ.
Vì vậy tất cả mọi người chúng ta hãy cẩn thận với lời nói của mình. Hãy nói những lời mang đến niềm tin và sức sống cho những ai đi ngang qua cuộc đời bạn.

Hãy cho trước khi muốn nhận
Một chàng trai bị lạc giữa sa mạc rộng lớn. Anh mệt lả và khát khô cổ, sẵn sàng đánh đổi bất cứ cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát. Đi mãi đi mãi, đến khi đôi môi anh đã sưng lên nhức nhối, thì thấy một căn lều cũ, rách nát, không cửa sổ.
Anh nhìn quanh căn lều và thấy ở một góc tối có một cái máy bơm nước cũ đã gỉ sét. Tất cả mọi thứ trở nên lu mờ bên cạnh cái máy bơm. Anh vội vã bước tới, vịn chặt tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có một giọt nước nào chảy ra.
Thất vọng, anh nhìn quanh căn lều. Lúc này anh mới để ý thấy một cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, anh đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên:
"Hãy đổ hết nước trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, nhớ đổ nước đầy vào bình".
Anh bật nắp bình ra và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, anh bị rơi vào một tình thế bấp bênh. Nếu uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn anh có thể sống sót. Nhưng nếu đổ hết nước vào cái máy bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất - rất nhiều nước.
Anh cân nhắc khả năng của cả hai lựa chọn: nên mạo hiểm rót nước vào máy bơm để có nguồn nước trong lành, hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc lời chỉ dẫn. Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác không.
Nhưng rồi cuối cùng, anh cũng quyết định rót hết nước vào cái máy bơm, và tiếp tục nhấn mạnh cái cần, một lần, hai lần... chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại anh sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên anh tiếp tục kiên trì bơm... lần nữa, lần nữa... nước mát trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Anh vội hứng nước vào bình và uống. Cuối cùng, anh hứng nước đầy bình để dành cho người lạc đường như anh sẽ đến đây. Anh đậy nắp bình rồi viết thêm một câu dưới dòng chữ có sẵn: "Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận".
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh
Một nhà kia có hai đứa trẻ sinh đôi, cha của chúng là người nghiện rượu nặng, tối ngày triền miên trong những cơn say.
Tuổi thơ của hai đứa trẻ trôi qua với hình ảnh người cha rất đáng sợ mỗi đêm đi nhậu say về. Ký ức của chúng là những trận đòn của cha với mẹ và những lần đập phá đồ đạc trong nhà. Năm tháng qua đi, hai đứa trẻ lớn lên và mỗi người có cuộc sống của riêng mình. Người anh song sinh giờ đây trở thành một phiên bản của người cha năm nào -  một bợm nhậu tối ngày chìm trong những cơn say. Còn người em song sinh lại trở thành một trong những người đi đầu trong phong trào phòng chống tệ nạn bia rượu của địa phương. 
Một người bạn cũ của gia đình đến chơi và hỏi người anh:
"Tại sao anh lại trở thành một bợm nhậu như thế này?" 
Rồi hỏi người em: "Tại sao anh lại tham gia phong trào bài trừ tệ nạn bia rượu?". 
Thật bất ngờ cả hai anh em đều có một câu trả lời giống nhau: "Có một người cha như vậy đương nhiên tôi phải trở thành người như thế này rồi".
Trong cuộc sống không có sai lầm nào lớn hơn việc cho phép bản thân mình quyền được vấp ngã và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hoàn cảnh không bao giờ là nguyên nhân cho những hành động tiêu cực hay sai trái mà nó chỉ là lý do cho những kẻ không có ý chí với tâm hồn hẹp hòi vin vào để tự bào chữa cho mình mà thôi.

Tình bạn
Hai người đi trên con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiền chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh viết trên cát: "Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi".
Họ tiếp tục đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy. Anh bạn kia không may bị chuột rút và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá: "Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi".
Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi: "Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá?"
Mỉm cười, anh trả lời: "Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng sự tha thứ... Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta lên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xóa nhòa được... ".
Hãy học cách viết trên cát và đá ...

Vay mượn ước mơ
Này bạn ơi, bạn có ước mơ không ? Câu hỏi có lẽ vài người cho là thừa, vì ai mà lại không có ước mơ. Một cuộc sống yên vui, một công việc hoàn hảo, một gia đình đầm ấm. Tất cả đều đáng trân trọng, thế nhưng bạn tự cho mình bao nhiêu thời gian để thực sự nghĩ về ước mơ của mình, hay chỉ nghe đâu đó rằng ước mơ là phải thế này, ước mơ là phải như thế kia. Vậy đấy nếu bạn không tự mình tìm cho bản thân một ước mơ, nó sẽ chẳng bao giờ xảy đến với bạn, như anh bạn trong câu chuyện dưới đây.
Hai người đàn ông đang ngồi câu bên một cái hồ hoang vắng ở một vùng xa xôi thuộc Canada. Một người ngáp ngắn ngáp dài, duỗi tay và thở dài. "Anh bạn ơi tôi chỉ mơ sao bắt được một ngàn con cá hồi".
Người đàn ông kia đáp: "Pierre, nếu anh bắt được một ngàn con cá, anh có cho tôi một nữa không?"
"Không đâu"
"Thế anh có cho tôi một phần tư chổ cá ấy không?"
"Không, tôi chẳng cho anh một phần tư đâu!"
"Pierre, nếu anh bắt được một ngàn con cá , chẳng nhẽ anh không cho tôi tối thiểu là mười con à?"
"Không, mười con cũng không"
"Thôi được, thế một con cá ươn có được không?"
"Không được, Louis, tôi không cho anh dù là con cá ươn nếu tôi bắt được một ngàn con".
"Nhưng tại sao Pierre? Anh là bạn của tôi cơ mà?
"Louis, bởi vì anh quá lười biếng để mơ ước cho bản thân mình."
Bài học rút ra từ câu chuyện này là: Đừng ỷ lại vào ước mơ của người khác! Hãy ước mơ cho chính mình

Đừng suy nghĩ ích kỷ
Truyện 1:
Có một cô gái trẻ chuyển nhà mới, cô phát hiện hàng xóm nhà mình là một phụ nữ nghèo goá chồng, sống với hai đứa con nhỏ.
Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ phải dùng nến để thắp sáng. Một lát sau, có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé con nhà hàng xóm. Nó hồi hộp hỏi: "Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?"
Cô gái trẻ nghĩ: " Nhà nó nghèo đến mức nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau lại sang xin nữa cho mà xem!" Thế là cô gái xẵng giọng: "Không có!"
Đúng lúc cô định đóng cửa lại, đứa trẻ nhà hàng xóm nghèo mỉm cười nói: "Cháu biết ngay là nhà cô không có mà!" Nói xong, nó chìa ra hai cây nến: "Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm."
Truyện 2:
Một đôi tình nhân đang dạo chơi trong công viên, vô tình phát hiện một bà lão quần áo xốc xếch đi sau lưng mình.
Cô gái kéo tay bạn trai nói:
"Đi nhanh lên, sau lưng mình có một bà già ăn xin đó !"
Bà lão vẫn theo sát nút hai người.
Cô gái nghĩ: "Trời ạh ! Sao mà dai như *a thế !"
Sau cùng cô gái ngừng lại, quay lưng nói với bà lão với một giọng lạnh lùng:
"Không có tiền !"
Bà lão cười: "Bà biết con không có tiền, cái ví của con đang nằm ở chỗ bà đây!"

Phán xét
Trong khi chờ đợi máy bay, Ly Ly mua một ly cà phê và một gói bánh bích quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ đợi.
Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người đang sột soạt gì đó ở bàn mình. Hé nhìn từ phía sau tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô rồi bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình. Hai phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.
Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết sức nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh cuối cùng làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.
Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận. Cô mở túi xách ra và nhận ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó.
Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người khác. Chàng trai kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. "Trời đất!" Cô thầm cảm phục./.
* Câu chuyện cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa.
Vì thế đừng vội xét đoán, kết án và cũng phải sẵn sàng thay đổi cái nhìn của mình khi chúng không còn đúng với sự thật nữa. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta muốn có những thay đổi lớn trong cuộc đời mình thì trước hết phải thay đổi cách nhìn về người khác.

Cà rốt, trứng gà và hạt cà phê
Chuyện kể về một cô con gái hay than thở với cha sao hết bất hạnh này đến bất hạnh khác cứ ập đến với mình, cô mệt mỏi không biết phải sống thế nào.
Người cha nghe con gái than thở liền dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi nước lên lò và khi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng lẻ. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.
Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. "Mềm lắm cha ạ", cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
- Điều này nghĩa là gì vậy cha? – cô gái hỏi.
- Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.
Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.
Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.
Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.
Người cha quay sang hỏi cô gái: Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.
Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?
Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.
Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.
Điều cha mẹ muốn nhắn nhủ là, khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Đừng nản chí.
Tiếng vọng
Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn: 
"Tôi ghét người". 
Từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét người". 
Cậu hoảng hốt quay về, sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu bé không sao hiểu được từ trong rừng lại có người ghét cậu.
Người mẹ nắm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng. Bà nói: "Gìơ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người". Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: "Tôi yêu người". Lúc đó người mẹ mới giải thích cho con hiểu: "Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con"./.

Làm sạch xã hội
Hai đứa trẻ nói chuyện với nhau: "Cha tớ góp phần làm cho xã hội trong sạch".
- Cha cậu làm nghề gì? Ông ấy là cảnh sát à?
- Không, ông ấy không phải là cảnh sát.
- Ông ấy là thẩm phán à?
- Không, ông ấy là nhà sản xuất xà bông.


Tại sao Đường Tăng vô dụng lại trở thành người lãnh đạo, còn Tôn Ngộ Không tài phép thì lại là kẻ làm công?

Tại sao Đường Tăng vô dụng lại trở thành người lãnh đạo, còn Tôn Ngộ Không tài phép thì lại là kẻ làm công? 4 điều rút ra từ bộ phim Tâ...