Sao
Diêm Vương có kích thước lớn hơn so với ước tính. Đây là kết luận được đưa ra
sau chuyến du hành gần một thập kỷ của tàu vũ trụ New Horizons thuộc Cơ quan
Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Với kích thước bằng một chiếc
đàn Piano, tàu mang theo nhiều máy quay, máy ảnh, quang phổ kế và những dụng cụ
khác để phân tích nồng độ bụi, đo đạc thành phần bầu khí quyển, tìm kiếm vệ
tinh và tạo bản đồ nhiệt của hành tinh này.
Trung tâm
kiểm soát sứ mệnh của New Horizons đặt tại Baltimore, Mỹ cho biết sau hành
trình 4,88 tỷ km trong 9 năm kể từ khi được phóng lên vũ trụ năm 2006, tàu thăm
dò hiện đi vào vị trí khuất của Sao Diêm Vương, ở khoảng không giữa thiên thể
này và Mặt Trăng đầu tiên của nó, Charon.
Theo
các kết quả phân tích đầu tiên, số liệu mới ghi nhận Sao Diêm Vương, "cựu
hành tinh" của Hệ Mặt Trời, có đường kính 2.370 km, lớn hơn khoảng 80km so
với ước tính trước đây. Như vậy, Sao Diêm Vương chính thức được xác nhận là
"tiểu hành tinh" lớn nhất trong hệ Mặt Trời; danh hiệu này trước đó
thuộc về Eris, một trong hàng trăm nghìn tiểu hành tinh và tinh thể như sao
chổi trong vành đai Kuiper bao ngoài cùng Hệ Mặt Trời.
Với
kích thước lớn hơn, Sao Diêm Vương sẽ có nhiều băng và ít đá hơn so với ước
tính trước đây, đây là một chi tiết quan trọng đối với các nhà khoa học trong
việc xâu chuỗi quá trình hình thành của tiểu hành tinh này cũng như cả Hệ Mặt
Trời. Theo nhà khoa học hàng đầu của NASA John Grunsfeld, Sao Diêm Vương là tàn
dư hóa thạch của giai đoạn đầu hình thành Hệ Mặt Trời, vì vậy cần phải tìm hiểu
thêm về tiểu hành tinh này. Ngoài ra, kích thước cũng ảnh hưởng đến độ lớn của
khí quyển của Sao Diêm Vương.
Trong
30 phút di chuyển qua Sao Diêm Vương và 5 Mặt Trăng của tiểu hành tinh này, New
Horizons sẽ tiến hành một loạt phương pháp đo đạc, quan sát bằng những máy ảnh
và thiết bị khoa học. Do đang ở vị trí khuất, hầu hết các thông tin thu thập
được sẽ được lưu giữ trong bộ nhớ của New Horizon và sẽ truyền về Trái Đất sau
khi tàu vụ trụ đi qua phía bên kia của Sao Diêm Vương.
Là
tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Sao Diêm Vương, New Horizons cho các nhà khoa học
cơ hội được nhìn cận cảnh do tiểu hành tinh này ở quá xa không thể quan sát
bằng các loại kính thiên văn kể cả loại đặt ngoài không gian.
Hình
vẽ về sự kiện trên trang chủ của Google
Nhân
sự kiện New Horizon tiến gần Sao Diêm Vương, họa sĩ Kevin Laughlin của tập đoàn
Google đã tạo ra một hình vẽ (doodle) về dấu mốc này, đặt trên trang tìm kiếm
chính thức ở địa chỉ Google.com. Google nói rằng các hình ảnh của New
Horizons gửi về Trái đất rất độc đáo, là kỳ tích lần đầu lập được. Thông tin
của con tàu gửi về sẽ giúp các nhà khoa học có một bức tranh sống động, có hiểu
biết tốt hơn về Sao Diêm Vương.
Theo
TTXVN
Hé lộ về Sao Diêm Vương
Sau
một vài trục trặc dẫn đến chất lượng hình ảnh không được cao, tàu vũ trụ New
Horizons của NASA cuối cùng cũng đã gửi về Trái Đất những hình ảnh rõ nét hơn
về Sao Diêm Vương.
Hình
chụp về Sao Diêm Vương được gửi về trước đây. (Nguồn: NASA)
Thay
vì những hình ảnh lốm đốm nâu hay rạn vỡ với độ phân giải thấp, lần này tàu
thăm dò đã thu được hàng loạt hình ảnh mới về hành tinh lùn cách Trái Đất từ
7,8-9,2 triệu dặm.
Những
bức hình được gửi về đã dần hé lộ một số chi tiết quan trọng về Sao Diêm
Vương.
Mặc
dù vẫn chưa có lời giải thích cho những vệt chấm khổng lồ trên hình, nhưng có
bằng chứng cho thấy sự tồn tại của “một vệt cắt liên tục” trên nền đất đen
quanh xích đạo của hành tinh.
Những
hình ảnh mới nhất được gửi về rõ nét hơn. (Nguồn: NASA)
Theo
NASA, những người yêu thiên văn học và nghiên cứu vũ trụ sẽ không phải chờ lâu
hơn nữa trước khi tiếp tục có những hình ảnh mới về Sao Diêm Vương.
Dự
kiến, tàu New Horizons sẽ sớm hồi phục sau sự cố nhỏ gây mất liên lạc gần đây,
và chuyến bay dự kiến vào ngày 14/7 tới sẽ đưa con tàu tiếp cận Sao Diêm Vương
gần hơn và thu thập được hàng loạt chi tiết quan trọng về hành tinh này.
Theo
Vietnam +
Phát hiện mặt trăng thứ tư của sao
Diêm Vương
Cơ
quan vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện
thấy một mặt trăng thứ tư quay quanh sao Diêm Vương. Các nhà khoa học phỏng
đoán mặt trăng này chỉ có đường kính khoảng từ 12 đến 33km.
Phát
hiện mặt trăng thứ tư của sao Diêm Vương
Cơ
quan vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện
thấy một mặt trăng thứ tư quay quanh sao Diêm Vương. Các nhà khoa học phỏng
đoán mặt trăng này chỉ có đường kính khoảng từ 12 đến 33km.
|
Hình
ảnh mô phỏng của sao Diêm Vương và các mặt trăng của nó.
Ảnh: Daily Mail. |
Trong
khi quan sát sao Diêm Vương bằng kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà khoa
học của NASA đã phát hiện một thiên thể nhỏ quay quanh hành tinh băng giá này.
Các nhà khoa học đã tạm thời gọi vệ tinh mới được phát hiện này là P4.
P4
là mặt trăng thứ tư và nhỏ nhất của sao Diêm Vương với đường kính ước tính
khoảng từ 12 đến 33 km. Trong khi đó, mặt trăng lớn nhất của sao Diêm Vương là
Charon, có đường kính lên tới 1.208km. Hai mặt trăng còn lại của hành tinh băng
giá là Nix và Hydra, lần lượt có đường kính là 90km và 113km.
“Hệ
thống camera của kính viễn vọng không gian Hubble đã giúp chúng tôi phát hiện
thấy một thiên thể nằm cách xa Trái đất 4,8 tỷ km. Đây là một điều vô cùng đặc
biệt”, tiến sĩ Mark Showalter thuộc Viện SETI ở California (Mỹ), người đứng
đầu chương trình quan sát bằng kính viễn vọng không gian Hubble, cho biết trên
Daily Mail.
Chương
trình quan sát bằng kính viễn vọng không gian Hubble là một phần nằm trong kế
hoạch nhằm hỗ trợ tàu thăm dò New Horizons của NASA trong sứ mệnh tiếp cận gần
sao Diêm Vương và các mặt trăng của hành tinh này vào năm 2015. Vì thế, việc
phát hiện thêm một vệ tinh của hành tinh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối
với sứ mệnh New Horizons.
“Đây
là một phát hiện vô cùng quan trọng”, tiến sĩ Alan Stern, người đứng đầu chương
trình tàu thăm dò New Horizons, nhận định.
“Nhờ
phát hiện này, chúng tôi biết có thêm một mặt trăng nữa quay quanh sao Diêm
Vương. Điều này giúp chúng tôi có thể lên kế hoạch chi tiết hơn cho sứ mệnh
khám phá hành tinh này”.
Dự
kiến, tàu thăm dò New Horizons sẽ bay tới sao Diêm Vương vào tháng 7-2015. Các
thiết bị trên tàu thăm dò này sẽ tiến hành thu thập thông tin và vẽ bản đồ bề
mặt, cấu tạo vật chất và bầu khí quyển của hành tinh băng giá này và các vệ
tinh của nó.
Sau
khi hoàn thành sứ mệnh thăm dò sao Diêm Vương, tàu thăm dò New Horizons sẽ tiếp
tục cuộc hành trình thăm dò các thiên thể khác trong vành đai Kuiper – một vùng
của vũ trụ chứa rất nhiều thiên thể bị đóng băng sau khi Hệ mặt trời hình
thành.
Theo Hà Hương
VietNamNet
Sao Diêm Vương có thêm "anh
em"
Hai
năm trước, sao Diêm Vương đã không còn được coi là một hành tinh và cùng với
Ceres và Iris, nó được xếp vào lớp các hành tinh lùn (dwarf planet) của hệ Mặt
trời. Vừa qua, "gia đình" hành tinh lùn lại được bổ sung một cái tên:
Makemake.
Ngày
11/7/2008, Hiệp hội Thiên văn quốc tế (IAU) đã chính thức công nhận danh hiệu
"hành tinh lùn" đối với một thiên thể thuộc vành đai Kuiper được phát
hiện cách đây ba năm. Hành tinh lùn này có tên chính thức là Makemake.
Makemake
được nhóm các nhà thiên văn ở Đài quan sát Palomar, California, Mỹ phát hiện
ngày 31/3/2005.
Khi
đó nó được tạm đặt tên là 2005 FY9 (hoặc 136472), chuyển động trên quĩ đạo cách
Mặt trời trung bình 45.791 đơn vị thiên văn (AU, 1 AU = 150 triệukm) với thời
gian chuyển động một vòng quanh Mặt Trời khoảng 309.88 năm Trái đất.
Makemake
có kích thước nhỏ hơn sao Diêm Vương một chút, là hành tinh lùn thứ ba tính
theo khoảng cách đến Mặt trời (Ceres, sao Diêm Vương, Makemake, Eris).
Theo
cách phân loại mới nhất của IAU, Makemake được xếp vào nhóm vật thể Plutoid
cùng sao Diêm Vương và Eris. Qua quan sát, hành tin lùn này có bề mặt hơi đỏ và
các nhà thiên văn tin rằng đó là do nó được bao phủ bởi một lớp băng metan.
Theo
nhà thiên văn Michael Brown (Học viện Công nghệ California, Caltech), trưởng
nhóm quan sát, tên của hành tinh lùn Makemake được đặt theo tên của vị thần
sinh sản và sáng tạo ra con người trong truyền thuyết của cư dân đảo Phục Sinh,
hòn đảo với những tượng đầu người kỳ bí được người châu Âu phát hiện vào dịp lễ
Phục Sinh, cũng là thời điểm phát hiện Makemake.
*
Hành tinh lùn (dwarf planet) là những thiên thể bay xung quanh Mặt trời,
không phải là vệ tinh tự nhiên của một hành tinh hay vật thể khác. Chúng có
đủ khối lượng để lực hấp dẫn tạo thành dạng cầu hoặc gần cầu, và chúng chưa
thể quét sạch được các vật thể khác ở vùng không gian kế cận với quĩ đạo của
chúng.
*
Plutoid là lớp các hành tinh lùn chuyển động ở quĩ đạo có khoảng cách xa hơn
sao Hải Vương.
|
Theo Nguyễn Tuấn
Tuổi Trẻ